Công dụng thuốc Pasigel

Công dụng thuốc Pasigel

Pasigel là thuốc tác động lên đường tiêu hóa, thường được chỉ định trong các bệnh lý viêm loét dạ dày – thực quản, trào ngược dạ dày – thực quản, điều trị các triệu chứng khó tiêu, đầy hơi, ợ nóng và ợ chua,…

1. Pasigel là thuốc gì?

Pasigel có thành phần chính bao gồm: Magnesium hydroxide, Nhôm hydroxyd và Simethicone.

1.1. Thành phần Magnesium hydroxide

  • Magnesium hydroxyd là thuốc kháng acid dạ dày, tác dụng trung hòa acid dư thừa trong dạ dày và tác dụng nhuận tràng.
  • Sau khi vào cơ thể, thuốc phản ứng với acid HCl tại dạ dày tạo thành muối magnesi clorid và nước, làm chất đệm cho dịch dạ dày. Từ đó làm tăng pH dạ dày, làm giảm các triệu chứng nóng rát, ợ hơi, ợ chua do tăng tiết acid. Ngoài ra, magnesi hydroxyd cũng làm giảm acid trong lòng thực quản và làm giảm tác dụng của pepsin (do pepsin hoạt động tối ưu ở pH từ 1,5 – 2,5).
  • Ở người có chức năng thận bình thường, khoảng 15 – 30% lượng magnesi hydroxyd phản ứng với nước tạo ra muối Magie được hấp thu và thải trừ qua nước tiểu, số còn lại chuyển hóa ở ruột non và hấp thu không đáng kể.
  • Phối hợp với Nhôm Hydroxyd trong thuốc Pasigel làm giảm tác dụng phụ gây táo bón của Nhôm.

1.2. Thành phần Nhôm Hydroxid

  • Nhôm hydroxide cũng là thuốc kháng acid (antacid) ở đường tiêu hóa, ở dạng bột vô định hình, không tan trong nước và cồn.
  • Cơ chế tác dụng của thuốc là phản ứng với acid dạ dày tạo thành muối Nhôm clorua và nước, làm tăng pH dạ dày, từ đó làm giảm các triệu chứng của tăng acid dạ dày trong bệnh lý viêm loét đường tiêu hóa, trào ngược dạ dày – thực quản. Thức ăn trong dạ dày có thể ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa thuốc, làm thuốc ra khỏi dạ dày chậm hơn, kéo dài thời gian phản ứng với HCl.
  • Ở người có chức năng thận bình thường, khoảng 17 – 30% Nhôm hydroxid được hấp thu và phản ứng với acid dạ dày tạo thành muối clorua, số còn lại không được hấp thu và thải trừ qua phân.
  • Ngoài ra, Aluminum hydroxide cũng kết hợp với Phosphate trong thức ăn tạo thành muối photphat không tan và được thải trừ qua phân. Do đó, nó cũng được sử dụng để điều trị các bệnh lý tăng phosphat máu.

1.3. Thành phần Simethicone

  • Simethicone là 1 chất lỏng nhớt, màu xám, trong mờ, không độc tính, thường được sử dụng để loại bỏ hơi, khí hay bọt ở đường tiêu hóa trước khi chụp phim X-quang, làm giảm các triệu chứng căng bụng, khó tiêu.
  • Cơ chế tác dụng của thuốc là làm giảm sức căng bề mặt của các bong bóng hơi trong lòng ống tiêu hóa, làm xẹp bóng khí và tống hơi ra khỏi ống tiêu hóa, giảm cảm giác đầy trướng.
  • Simethicone thường được sử dụng như chất hỗ trợ điều trị các tắc nghẽn hơi sau phẫu thuật do nuốt khí, giảm các triệu chứng khó tiêu cơ năng trong loét dạ dày, bệnh lý kết tràng bị co thắt hay kích thích. Nó cũng được dùng phối hợp trong các thuốc kháng acid, thuốc chống co thắt, các thuốc an thần hay các thuốc tiêu hóa.
  • Simethicon không hấp thu qua đường tiêu hóa, không làm cản trở quá trình tiết dịch vị và quá trình hấp thu thức ăn. Sau khi uống và tác dụng trên đường tiêu hóa, thuốc bài tiết hoàn toàn qua phân ở dạng không đổi.

Phối hợp cả 3 thành phần Nhôm hydroxyd, Magnesi hydroxyd và Simethicone trong thuốc Pasigel làm tăng hiệu quả điều trị, đồng thời giảm các tác dụng phụ của từng thành phần.

2. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Pasigel

Thuốc Pasigel được chỉ định trong các trường hợp bệnh lý sau:

  • Điều trị các triệu chứng của viêm loét dạ dày – tá tràng cấp và mạn tính.
  • Giảm triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày – thực quản ở các mức độ khác nhau.
  • Điều trị các triệu chứng đầy hơi, chướng bụng, đau bụng, khó tiêu, ợ chua… do bất kỳ nguyên nhân gì.

Chống chỉ định của thuốc Pasigel:

  • Bệnh nhân dị ứng với thành phần Magnesium hydroxide, Nhôm hydroxide, Simethicone hay bất cứ thành phần nào khác của thuốc.
  • Trẻ em dưới 3 tháng tuổi, bệnh nhân suy giảm chức năng thận không có chỉ định dùng thuốc.

3. Tương tác thuốc của Pasigel

Một số tương tác thuốc có thể gặp khi phối hợp điều trị Pasigel với các thuốc khác như sau

  • Cũng giống như các thuốc kháng acid khác, Pasigel làm giảm tác dụng của các thuốc điều trị bệnh lý tim mạch, các thuốc tâm – thần kinh như captopril, digoxin, quinidin, gabapentin, phenothiazin, sucralfat,…
  • Các muối sắt, các thực phẩm chứa sắt, thuốc kháng histamin H2 hay các vitamin tan trong dầu (đặc biệt là vitamin D) giảm hấp thu khi dùng đồng thời với các thuốc kháng acid dạ dày.
  • Phối hợp với một số kháng sinh tetracyclin, fluoroquinolon, ketoconazol, norfloxacin, ciprofloxacin,… làm giảm khả năng kháng khuẩn của thuốc, làm giảm hiệu quả điều trị.
  • Các thuốc được bào chế dưới dạng viên bao phim tan trong dịch vị đường tiêu hóa có thể bị giảm hiệu quả do Pasigel làm thay đổi tính chất của dịch dạ dày.
  • Do thuốc Pasigel làm thay đổi đáng kể nồng độ pH trong dạ dày, vì vậy các thuốc hấp thụ dựa vào acid dạ dày có thể bị thay đổi sinh khả dụng khi dùng phối hợp. Nên thông báo cho bác sĩ tất cả các thuốc người bệnh đang sử dụng trong quá trình điều trị bằng Pasigel để tránh các tương tác bất lợi có thể xảy ra.

4. Liều dùng và cách dùng

Cách dùng:

  • Pasigel được bào chế dưới dạng hỗn dịch uống. Uống trực tiếp hỗn hợp thuốc hoặc hòa tan với nước để uống.
  • Thức ăn có thể làm thay đổi tác dụng của thuốc, làm thuốc lưu lại lâu hơn ở đường tiêu hóa. Nên uống trước bữa ăn ít nhất 30 phút hoặc uống thuốc trước khi ngủ.

Liều dùng:

  • Liều thông thường ở người lớn: Uống 1 gói/ lần x 3 lần/ ngày.
  • Chưa có liều dùng an toàn cụ thể trên từng lứa tuổi ở trẻ em. Liều dùng Pasigel theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Liều dùng chỉ mang tính chất tham khảo, tùy từng đối tượng bệnh nhân và tình trạng bệnh lý mà bác sĩ có chỉ định về liều dùng khác nhau.

5. Tác dụng phụ của thuốc Pasigel

Một số tác dụng không mong muốn có thể xảy ra khi dùng thuốc Pasigel gồm:

Tác dụng phụ thường gặp:

  • Táo bón do thành phần nhôm hydroxyd.
  • Nếu sử dụng kéo dài với liều cao làm cản trở hấp thu phosphate ở dạ dày làm tăng nguy cơ loãng xương ở người lớn và giảm phát triển xương ở trẻ em.
  • Tiêu chảy do thành phần magnesi hydroxyd.
  • Tăng Magie máu nếu dùng liều cao và kéo dài, đặc biệt ở bệnh nhân suy giảm chức năng thận.

Tác dụng phụ ít gặp hơn:

  • Phản ứng dị ứng gây ngứa, nổi ban, sốc phản vệ.
  • Buồn nôn, nôn do kích ứng đường tiêu hóa.
  • Đau đầu, mệt mỏi, yếu mỏi cơ.
  • Giảm cảm giác ngon miệng.

6. Một số lưu ý khi dùng thuốc Pasigel

  • Kiểm tra, theo dõi chức năng thận trước và trong suốt quá trình dùng thuốc Pasigel ở bệnh nhân suy giảm chức năng thận.
  • Chưa đầy đủ bằng chứng về tính an toàn của thuốc đối với thai nhi và trẻ bú mẹ. Do đó, cân nhắc lợi ích trước khi dùng cho phụ nữ có thai và đang cho con bú.
  • Bệnh nhân suy giảm chức năng gan, người suy tim sung huyết, phù, chế độ ăn ít natri, bệnh nhân mới chảy máu đường tiêu hóa, trẻ em dưới 5 tuổi nên thận trọng khi dùng thuốc.
  • Nếu sử dụng thuốc kéo dài cần kiểm tra định kỳ mỗi 2 tháng nồng độ phosphat máu ở bệnh nhân có chức năng thận bình thường và kiểm tra mỗi tháng 1 lần ở bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo.

Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Pasigel, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc Pasigel điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-pasigel/