Công dụng thuốc Stareclor 250

Công dụng thuốc Stareclor 250

Thuốc Stareclor 250 thuộc nhóm thuốc kháng sinh, kháng nấm, kháng virus có thành phần chính cefaclor. Thuốc thường được dùng để điều trị viêm tai giữa, nhiễm khuẩn hô hấp do vi khuẩn nhạy cảm, nhiễm khuẩn da, viêm xoang,… Vậy thuốc Stareclor 250 công dụng như thế nào?

1. Thuốc Stareclor 250 có tác dụng gì?

Thuốc Stareclor 250 có thành phần chính cefaclor là kháng sinh bán tổng hợp, thuộc nhóm cephalosporin có phổ kháng khuẩn rộng cụ thể như sau:

  • Vi khuẩn hiếu khí, gram dương: Staphylococci, bao gồm chủng tạo men penicillinase, coagulase dương tính, coagulase âm tính (khi được thử nghiệm in vitro), có biểu hiện đề kháng chéo giữa cefaclor và methicillin, Streptococcus pneumoniae, Streptococcus pyogenes.
  • Vi khuẩn hiếu khí, gram âm: Citrobacter diversus, Escherichia coli, Haemophilus influenzae, bao gồm các chủng tạo men b-lactamase, kháng ampicillin, Klebsiella spp, Moraxella (Branhamella) catarrhalis, Neisseria gonorrhoeae, Proteus mirabilis.
  • Vi khuẩn kỵ khí: Bacteroides spp. (ngoại trừ Bacteroides fragilis), Peptococcus niger, Peptostreptococcus spp, Propionibacterium acnes

Về dược động học, cefaclor được hấp thu tốt nhất khi uống ở trạng thái không thức ăn, vì khi dùng chung với thức ăn nồng độ đỉnh của thuốc chỉ đạt được khoảng 50-70% so với nồng độ đỉnh khi bệnh nhân nhịn đói. Phần lớn thuốc Stareclor 250 sẽ được thải trừ dưới dạng không đổi trong nước tiểu sau 8 giờ, phần lớn thải trừ trong 2 giờ đầu.

Thuốc Stareclor 250 thường được chỉ định trong các trường hợp sau:

Thuốc Stareclor 250 chống chỉ định cho bệnh nhân nhạy cảm với nhóm cephalosporin và trẻ em dưới 1 tháng tuổi.

2. Liều dùng Stareclor 250 như nào?

Tuỳ thuộc vào đối tượng và mục tiêu điều trị mà liều dùng của Stareclor 250 sẽ có sự khác biệt, cụ thể như sau:

Đối với trẻ em:

  • Liều thông thường 20 mg/kg/ngày, uống mỗi 8 giờ
  • Đối với viêm phế quản và viêm phổi: dùng liều 20 mg/kg/ngày chia làm 3 lần.
  • Đối với các nhiễm khuẩn nặng hơn có thể dùng 40 mg/kg/ngày chia làm nhiều lần uống. Liều tối đa 1 g/ngày

Đối với người lớn:

  • Liều thông thường là 250 mg mỗi 8 giờ. Liều hàng ngày không quá 4 g/ngày
  • Trường hợp viêm phổi, viêm phế quản, viêm xoang liều thường dùng là 250 mg x 3 lần/ngày
  • Viêm niệu đạo do lậu cầu dùng liều duy nhất 3 g phối hợp với 1 probenecid

Cefaclor có thể dùng cho bệnh nhân suy thận, trường hợp suy thận nặng cần chỉnh liều cho người lớn theo độ thanh thải creatinin như sau:

  • Độ thanh thải creatinin 10-50 ml/phút dùng liều 50-100% liều thường dùng
  • Độ thanh thải creatinin dưới 10 ml/phút dùng liều 25% liều thường dùng
  • Nếu người bệnh cần thẩm phân máu thường xuyên thì liều khởi đầu từ 250 mg- 1 g trước khi thẩm phân máu và duy trì liều điều trị 250- 500 mg/lần, mỗi 6-8 giờ/ lần, trong thời gian giữa các lần thẩm phân

3. Tác dụng phụ của thuốc Stareclor 250

Ở một số bệnh nhân khi sử dụng thuốc Stareclor 250 có thể gặp các tác dụng phụ như:

  • Dễ thâm tím hoặc chảy máu, ngứa ran ở mức độ nặng, tê cóng, đau nhức, yếu cơ
  • Co giật
  • Vàng da hoặc xanh xao, nước tiểu có màu sậm, sốt, lú lẫn hoặc yếu ớt
  • Buồn nôn, nôn, đau bụng, viêm đại tràng màng giả
  • Tăng nhẹ creatinin huyết thanh, BUN hay bất thường kết quả phân tích nước tiểu
  • Các phản ứng quá mẫn có thể xảy ra như ngứa, nổi mày đay

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Stareclor 250

Một số lưu ý chung khi sử dụng thuốc Stareclor 250 gồm có:

  • Thận trọng khi sử dụng Stareclor 250 với bệnh nhân có tiền sử mẫn cảm với cephalosporin, đặc biệt là cefaclor hoặc penicillin.
  • Cefaclor dùng dài ngày có thể gây viêm đại tràng giả mạc do clostridium difficile. Thận trọng đối với người bệnh có tiền sử đường tiêu hoá, đặc biệt viêm đại tràng.
  • Thận trọng khi dùng cefaclor cho người có chức năng thận suy giảm, cần theo dõi chức năng thận trong khi điều trị bằng cefaclor phối hợp với các kháng sinh có tiềm năng gây độc cho thận hoặc với thuốc lợi tiểu furosemid, acid ethacrynic.
  • Test coombs dương tính trong khi điều trị bằng cefaclor
  • Các nghiên cứu cho thấy không có bằng chứng về việc cefaclor gây ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai nhưng cũng chỉ nên sử dụng Stareclor 250 khi thật cần thiết.
  • Khi sử dụng Stareclor 250 cho phụ nữ đang cho con bú thì tác động của thuốc lên trẻ chưa thực sự rõ ràng nhưng cần thận trọng khi thấy trẻ bị tiêu chảy và nổi ban.
  • Probenecid có thể làm tăng hoạt động và tác dụng phụ của cefaclor.

Trên đây là những thông tin quan trọng về thuốc Stareclor 250, trước khi sử dụng người bệnh nên đọc kỹ hướng dẫn và dùng thuốc theo chỉ định để đạt kết quả tốt nhất.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-stareclor-250/