Công dụng thuốc TaclaGSV

Công dụng thuốc TaclaGSV

Thuốc TaclaGSV được chỉ định trong điều trị viêm mũi dị ứng, mày đay vô căn mạn tính,… Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin chi tiết về công dụng, các lưu ý khi sử dụng thuốc TaclaGSV.

1. Công dụng của thuốc TaclaGSV

Thuốc TaclaGSV chứa hoạt chất Fexofenadin hydroclorid bào chế dưới dạng hỗn dịch uống. Mỗi 5ml hỗn dịch thuốc chứa Fexofenadin hydroclorid 30mg.

TaclaGSV được chỉ định trong những trường hợp sau:

  • Viêm mũi dị ứng ở người trưởng thành và trẻ em trên 2 tuổi với các triệu chứng như ngứa mũi, hắt hơi liên tục, nghẹt mũi và chảy nước mũi.
  • Mày đay vô căn mạn tính ở người trưởng thành và trẻ em trên 6 tháng tuổi với các triệu chứng ngoài da như nổi các nốt sần phù theo đám hoặc rải rác, ngứa. Thuốc giúp giảm ngứa, giảm số lượng mày đay.

2. Cơ chế tác dụng

Hoạt chất Fexofenadin thuộc nhóm thuốc kháng Histamin H1 thế hệ 2.

Fexofenadin là chất chuyển hóa có hoạt tính của Terfenadine – chất kháng histamin tác dụng đối kháng chọn lọc ở thụ thể H1 ngoại biên. Thuốc gây ức chế sự co thắt phế quản do kháng nguyên gây nên, ức chế sự tiết Histamin từ dưỡng bào màng bụng khi nghiên cứu trên chuột cống. Các nghiên cứu trên động vật cho thấy Fexofenadin không có tác dụng kháng cholinergic hoặc tác dụng ức chế thụ thể alpha 1- Adrenergic hoặc Beta – Adrenergic.

Ở liều điều trị, Fexofenadin tác dụng kéo dài, không qua hàng rào máu não nên không gây buồn ngủ.

3. Liều dùng của thuốc TaclaGSV

Tác dụng thuốc TaclaGSV trong điều trị các tình trạng dị ứng, mày đay. Thuốc bào chế dạng hỗn dịch dùng bằng đường uống. Khi để yên lọ thuốc, các phân tử dược chất phân tán và có thể tách riêng. Vì vậy, trước khi dùng thuốc người bệnh cần lắc nhẹ lọ thuốc để hỗn dịch được phân tán đồng đều.

TaclaGSV thuộc nhóm thuốc không kê đơn, một số khuyến cáo về liều thuốc sử dụng như sau:

Điều trị viêm mũi dị ứng theo mùa:

  • Trẻ em 2 – 12 tuổi: Liều thuốc khuyến cáo là 5ml/ lần x 2 lần/ ngày. Đối với người bệnh suy thận, liều thuốc khởi đầu khuyến cáo là 5ml/ lần/ ngày.
  • Trẻ em trên 12 tuổi và người trưởng thành: Liều thuốc khuyến cáo là 10ml/ lần x 2 lần/ ngày. Đối với người bệnh suy thận, liều thuốc khởi đầu khuyến cáo là 10ml/ lần/ ngày.

Điều trị mày đay:

  • Trẻ em từ 6 tháng – 2 tuổi: Liều thuốc khuyến cáo là 2.5ml/ lần x 2 lần/ ngày. Đối với người bệnh suy thận, liều thuốc khởi đầu khuyến cáo là 2.5ml/ lần/ ngày;
  • Trẻ em từ 2 tuổi – 11 tuổi: Liều thuốc khuyến cáo là 5ml/ lần x 2 lần/ ngày. Đối với người bệnh suy thận, liều thuốc khởi đầu khuyến cáo là 5ml/ lần/ ngày;
  • Trẻ em từ 12 tuổi trở lên và người trưởng thành: Liều thuốc khuyến cáo là 10ml/ lần x 2 lần/ ngày. Đối với người bệnh suy thận, liều thuốc khởi đầu khuyến cáo là 10ml/ lần/ ngày.

Người bệnh suy gan: Không cần hiệu chỉnh liều thuốc TaclaGSV.

Người cao tuổi: Không cần hiệu chỉnh liều thuốc TaclaGSV, ngoại trừ trường hợp người bệnh có suy giảm chức năng thận.

4. Tác dụng phụ của thuốc TaclaGSV

Thuốc TaclaGSV có thể gây ra một số tác dụng phụ như sau:

Thường gặp:

  • Trên hệ thần kinh: Đau đầu, buồn ngủ, chóng mặt, mệt mỏi, mất ngủ.
  • Trên hệ tiêu hóa: Khó tiêu, buồn nôn.
  • Khác: Đau bụng trong kỳ kinh nguyệt, nhiễm virus (cúm, cảm), ngứa họng, sốt, ho, viêm tai giữa, đau lưng, viêm xoang, dễ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp trên.

Ít gặp:

  • Trên hệ thần kinh: Rối loạn giấc ngủ, sợ hãi, ác mộng.
  • Trên hệ tiêu hóa: Đau bụng, khô miệng.

Hiếm gặp:

  • Trên da – mô mềm: Mày đay, ban da.
  • Phản ứng quá mẫn: Khó thở, phù mạch, tức ngực, choáng phản vệ.

Người bệnh cần thông báo cho bác sĩ nếu gặp phải tác dụng phụ trong thời gian điều trị bằng thuốc TaclaGSV.

5. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc TaclaGSV

  • Thận trọng và hiệu chỉnh liều TaclaGSV thích hợp ở người bệnh suy giảm chức năng thận vì nồng độ thuốc TaclaGSV tăng lên ở các đối tượng này.
  • Cần ngưng điều trị bằng TaclaGSV trước ít nhất 24 – 48 giờ trước khi tiến hành các thử nghiệm kháng nguyên tiêm trong da.
  • Điều trị bằng Fexofenadin có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh vảy nến.
  • Đối với phụ nữ đang mang thai: Hiện chưa có nghiên cứu cụ thể về độ an toàn, hiệu quả khi điều trị bằng Fexofenadin ở phụ nữ đang mang thai, vì vậy việc sử dụng thuốc TaclaGSV ở đối tượng này cần được chỉ định bởi bác sĩ dựa trên lợi ích và nguy cơ.
  • Đối với phụ nữ đang cho con bú: Hiện chưa có nghiên cứu cụ thể về khả năng bài tiết qua sữa mẹ của Fexofenadin, vì vậy cần thận trọng khi điều trị bằng TaclaGSV ở phụ nữ đang cho con bú.

6. Tương tác thuốc

  • Ketoconazol và Erythromycin làm tăng nồng độ của Fexofenadin trong huyết tương nhưng không làm thay đổi khoảng QT của thuốc.
  • Không sử dụng đồng thời Fexofendin và các thuốc kháng acid có chứa Magnesi, Nhôm và làm giảm hấp thu Fexofenadin. Trường hợp bắt buộc phải sử dụng cần dùng các thuốc này cách nhau ít nhất 2 giờ.
  • Fexofenadin có thể làm tăng nồng độ các chất an thần, nồng độ cồn và các chất kháng cholinergic.
  • Các chất ức chế Acetylcholinesterase (tại thần kinh trung ương), chất kháng acid, Amphetamin, Rifampicin, nước ép bưởi có thể làm giảm nồng độ của Fexofenadin.
  • Nước ép hoa quả như nước cam, táo, bưởi,… làm giảm sinh khả dụng của Fexofenadin tới 36%.

Tương tác thuốc xảy ra làm tăng nguy cơ gặp tác dụng và giảm tác dụng điều trị của TaclaGSV. Vì vậy để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong điều trị người bệnh cần thông báo cho bác sĩ các loại thuốc, thực phẩm đang sử dụng trước khi dùng thuốc TaclaGSV.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-taclagsv/