Công dụng thuốc Tussicaps

Công dụng thuốc Tussicaps

Thuốc Tussicaps thường được sử dụng để điều trị hiệu quả các triệu chứng của bệnh cảm cúm và cảm lạnh. Nhằm giúp phát huy tối ưu công dụng của các hoạt chất kết hợp bên trong viên thuốc Tussicaps, bệnh nhân cần thực hiện theo mọi khuyến cáo của bác sĩ điều trị về tần suất, liều lượng và cách dùng thuốc an toàn.

1. Thuốc Tussicaps là thuốc gì?

Tussicaps thuộc nhóm thuốc giảm đau hạ sốt và chống viêm không steroid, được sử dụng chủ yếu để làm giảm các triệu chứng của bệnh cảm cúm hoặc cảm lạnh. Hiện nay, thuốc Tussicaps được bào chế dưới dạng viên nang cứng và đóng gói theo quy cách hộp 10 vỉ x 10 viên hoặc hộp một lọ 50 viên và 100 viên.
Trong mỗi viên nang cứng Tussicaps có chứa các thành phần hoạt chất chính, bao gồm:

  • Paracetamol hàm lượng 325mg.
  • Dextromethorphan HBr hàm lượng 10mg.
  • Phenylephrin HCl hàm lượng 5mg.
  • Guaifenesin hàm lượng 100mg.
  • Các tá dược khác vừa đủ cho một viên nang cứng Tussicaps.

2. Chỉ định – Chống chỉ định sử dụng thuốc Tussicaps

2.1 Chỉ định sử dụng thuốc Tussicaps

Hiện nay, thuốc Tussicaps được bác sĩ kê đơn sử dụng để điều trị nhanh chóng và hiệu quả các triệu chứng của bệnh cảm lạnh hoặc cảm cúm, bao gồm:

  • Sốt.
  • Nhức đầu.
  • Ho.
  • Các cơn đau nhẹ.
  • Đau họng.
  • Sung huyết mũi.
  • Giúp làm loãng chất nhầy (đờm) và dịch tiết phế quản, nhờ đó bệnh nhân có thể ho dễ dàng hơn.

2.2 Chống chỉ định sử dụng thuốc Tussicaps

Không sử dụng thuốc Tussicaps cho các đối tượng bệnh nhân dưới đây khi chưa có chỉ định của bác sĩ:

  • Người bệnh quá mẫn với các hoạt chất như Paracetamol, Guaifenesin, Dextromethorphan HBr, Phenylephrin HCl hay bất kỳ thành phần tá dược nào có trong thuốc.
  • Người bệnh đang sử dụng các loại thuốc IMAO.
  • Người mắc bệnh mạch vành.
  • Người bị cao huyết áp mức nặng.
  • Bệnh nhân mắc phải tình trạng suy gan nặng hoặc thiếu hụt men G6PD.
  • Trẻ

3. Liều dùng và hướng dẫn sử dụng thuốc Tussicaps

Thuốc Tussicaps được bào chế dưới dạng viên nang cứng, do đó bệnh nhân có thể dùng thuốc bằng đường uống. Liều dùng khuyến cáo chung dành cho người lớn và cả trẻ em trên 12 tuổi là 1 – 2 viên x 2 lần / ngày.

Trước khi sử dụng thuốc Tussicaps, bệnh nhân cần đọc kỹ hướng dẫn dùng thuốc được ghi trên bao bì sản phẩm hoặc tham khảo lời khuyên của bác sĩ. Tránh tự ý điều trị bằng thuốc Tussicaps hoặc thay đổi liều dùng vì mục đích nhanh khỏi bệnh.

Thời gian điều trị các triệu chứng cảm lạnh và cảm cúm bằng thuốc Tussicaps sẽ tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Tốt nhất, bạn nên tuân thủ theo kế hoạch dùng thuốc mà bác sĩ đã đưa ra. Tránh tự ý ngừng thuốc đột ngột hoặc uống thuốc kéo dài quá thời gian khuyến cáo.

4. Cách xử trí khi quên liều và quá liều thuốc Tussicaps

4.1. Xử trí trường hợp quên liều thuốc Tussicaps

Khi lỡ quên uống một liều thuốc Tussicaps, bệnh nhân cần nhanh chóng bổ sung liều đã quên vào thời điểm sớm nhất có thể. Tuy nhiên, nếu đã đến gần thời gian dùng liều tiếp theo, nên bỏ qua liều đã lỡ và dùng thuốc theo đúng lịch trình. Tuyệt đối không uống gấp đôi liều hoặc uống các liều quá sát nhau bởi điều này dễ gây ra các tác dụng phụ ngoại ý.

4.2. Xử trí trường hợp quá liều thuốc Tussicaps

Tùy từng trường hợp quá liều với thành phần dược chất nào trong thuốc Tussicaps mà bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên xử trí khác nhau, cụ thể:

Quá liều Paracetamol

  • Triệu chứng quá liều: Trong vòng 24 giờ sau khi uống quá liều Paracetamol, người bệnh sẽ có các triệu chứng như buồn nôn, ói mửa và đau bụng. Sau đó, triệu chứng khác có thể xuất hiện như căng đau khu vực hạ sườn phải – dấu hiệu phát triển hoại tử gan. Tình trạng tổn thương gan thường diễn tiến mạnh trong khoảng 3 – 4 ngày sau khi dùng quá liều Paracetamol, thậm chí dẫn đến bệnh não, hạ đường huyết, phù não, xuất huyết và tử vong.
  • Hướng dẫn xử trí: Cách xử trí tình trạng quá liều Paracetamol sẽ phụ thuộc vào nồng độ thuốc trong huyết tương. Trong vòng 24 giờ kể từ khi uống quá liều, bác sĩ có thể cho bệnh nhân dùng Acetylcystein nhằm bảo vệ gan, hiệu quả bảo vệ sẽ đạt tối ưu nếu sử dụng trong vòng 8 giờ đầu tiên. Liều uống Acetylcystein đầu tiên là 140mg / kg thể trọng, sau đó dùng tiếp 17 liều nữa, chia đều mỗi liều 70mg / kg và dùng cách nhau khoảng 4 giờ. Ngoài ra, để làm giảm sự hấp thu Paracetamol, bác sĩ cũng có thể đề nghị bệnh nhân áp dụng phương pháp rửa dạ dày hoặc dùng than hoạt tính.

Quá liều Dextromethorphan:

  • Triệu chứng quá liều: Khi uống quá liều Dextromethorphan, người bệnh sẽ có các triệu chứng như buồn nôn, nôn ói, nhìn mờ, buồn ngủ, bí tiểu tiện, rung giật nhãn cầu, ảo giác, trạng thái tê mê, suy hô hấp, mất điều hoà và co giật.
  • Hướng dẫn xử trí: Áp dụng các biện pháp điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng. Bác sĩ có thể tiến hành tiêm tĩnh mạch 2mg Naloxon cho bệnh nhân và dùng lặp lại nếu cần thiết.

Quá liều Guaifenesin: Thường không gây ra các triệu chứng đe dọa đến tính mạng.

5. Thuốc Tussicaps gây ra các tác dụng phụ gì?

Thực tế, thuốc Tussicaps hiếm khi gây ra các tác dụng phụ, tuy nhiên trong một số trường hợp nhất định, người dùng thuốc có thể gặp phải các phản ứng ngoại ý sau:

  • Dị ứng thuốc (hiếm gặp) gây ra các triệu chứng như phát ban đỏ, nổi mày đay, suy gan và giảm tiểu cầu.
  • Các phản ứng phụ khác như mất ngủ, bồn chồn, loạn nhịp tim, tăng huyết áp, buồn nôn, ói mửa, chóng mặt, kích ứng dạ dày, người yếu mệt, run rẩy, khó thở và ảo giác.

Trong mọi tình huống, bệnh nhân cần báo ngay cho bác sĩ nếu xuất hiện bất kỳ tác dụng phụ nào khi dùng thuốc Tussicaps. Một số triệu chứng tuy hiếm gặp nhưng nếu phát hiện và điều trị muộn có thể diễn tiến trầm trọng hơn và dễ để lại di chứng cho bệnh nhân.

6. Thận trọng khi sử dụng thuốc Tussicaps

Cần lưu ý điều gì khi sử dụng thuốc Tussicaps?

Trước và trong quá trình điều trị các triệu chứng cảm lạnh / cảm cúm bằng thuốc Tussicaps, bệnh nhân cần lưu ý và thận trọng một số điều sau:

  • Luôn đọc kỹ hướng dẫn sử dụng hoặc trao đổi chi tiết với bác sĩ điều trị trước khi dùng thuốc Tussicaps.
  • Tham khảo lời khuyên của bác sĩ về việc dùng Tussicaps nếu đang mắc các bệnh lý như bệnh gan, tim mạch, tiểu đường, ho tiết rất nhiều đờm, cường giáp, tăng nhãn áp, cao huyết áp, tiểu khó do phì đại tuyến tiền liệt, suy thận, ho mạn tính do hút thuốc lá, ho do hen phế quản, viêm phế quản mãn tính hoặc khí phế thủng.
  • Phụ nữ mang thai hoặc người mẹ đang nuôi con bú cần tham khảo kỹ ý kiến của bác sĩ trước khi quyết định điều trị bằng thuốc Tussicaps. Những đối tượng này chỉ nên dùng Tussicaps khi lợi ích lớn hơn nhiều so với rủi ro.
  • Thận trọng khi dùng thuốc Tussicaps cho người bệnh có tính chất công việc thường xuyên lái xe hoặc điều khiển máy móc.
  • Bảo quản thuốc tại nơi khô thoáng, dưới 30 độ C, tránh ánh sáng trực tiếp và nơi có độ ẩm cao.

Ngoài ra, bệnh nhân cần ngưng điều trị bằng thuốc Tussicaps và phải báo ngay cho bác sĩ nếu:

  • Xuất hiện các triệu chứng mới.
  • Sưng phù hoặc đỏ da.
  • Sung huyết mũi, xuất hiện cơn đau, ho nặng hơn và kéo dài quá 7 ngày.
  • Sốt nghiêm trọng hơn hoặc sốt kéo dài quá 3 ngày.
  • Có cảm giác bồn chồn, mất ngủ và chóng mặt.
  • Tái phát cơn ho, ho kèm theo sốt, nhức đầu kéo dài hoặc phát ban da.

Những triệu chứng trên có thể là dấu hiệu cảnh báo một bệnh lý trầm trọng hơn. Do đó, việc chẩn đoán và điều trị sớm rất quan trọng, giúp bệnh nhân ngăn ngừa các nguy cơ sức khoẻ khác.

Thuốc Tussicaps tương tác với các loại thuốc nào?

Theo lời khuyên của bác sĩ, bệnh nhân cần tránh phối hợp sử dụng thuốc Tussicaps với các loại thuốc khác sau đây:

  • Thuốc ức chế men Monoamine Oxidase (IMAO) (một vài loại thuốc điều trị bệnh lý tâm thần, cảm xúc, trầm cảm hoặc bệnh Parkinson). Tránh dùng chung Tussicaps khi đang điều trị bằng thuốc IMAO hoặc trong vòng 2 tuần sau khi ngưng dùng thuốc IMAO.
  • Một số loại thuốc chống co giật như Barbiturat, Phenytoin, Isoniazid hoặc Carbamazepin khi dùng chung với thuốc Tussicaps có thể làm tăng độc tính của hoạt chất Paracetamol trên gan.
  • Sử dụng đồng thời Phenylephrin với một số loại amin có tác dụng tương tự thần kinh giao cảm sẽ làm tăng nguy cơ gặp phải các phản ứng phụ ngoại ý trên hệ tim mạch.
  • Các thuốc chống trầm cảm 3 vòng như Imipramin và Amitriptylin khi dùng chung với Tussicaps có thể làm tăng nguy cơ gặp phải các triệu chứng ngoại ý về tim mạch.

Hy vọng với những chia sẻ trên giúp người dùng hiểu rõ hơn về cách sử dụng thuốc Tussicaps cũng như điều nên tránh trong quá trình điều trị. Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào người bệnh nên liên hệ bác sĩ để được tư vấn chuyên sâu.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-tussicaps/