Công dụng thuốc Vicimadol 2g

Công dụng thuốc Vicimadol 2g

Thuốc Vicimadol là biệt dược chứa hoạt chất Cefamandol, một kháng sinh phổ rộng thuộc nhóm Cephalosporin thế hệ 2. Tuân thủ chỉ định, liều dùng thuốc Vicimadol 2gsẽ giúp người bệnh nâng cao hiệu quả điều trị và tránh được những tác dụng phụ không mong muốn.

1. Vicimadol 2g là thuốc gì?

Thuốc Vicimadol 2g chứa thành phần chính là Cefamandol dưới dạng Cefamandol nafat với hàm lượng 2g. Ngoài ra, thuốc còn chứa tá dược natri carbonat (136mg). Vicimadol được bào chế dưới dạng bột khô pha nước cất tiêm truyền.

Cefamandol là kháng sinh bán tổng hợp thuộc nhóm Cephalosporin thế hệ hai. Đây là một kháng sinh phổ rộng có tác dụng đối với cả vi khuẩn gram dương và vi khuẩn gram âm.

1.1. Dược lực học của Cefamandol

Cefamandol thể hiện tác dụng mạnh hơn đối với vi khuẩn gram âm khi so với các kháng sinh cephalosporin thế hệ 1, còn đối với cầu khuẩn gram dương thì cho hiệu quả tương tự hoặc thấp hơn.

Cefamandol thể hiện tác dụng diệt khuẩn nhờ ức chế tổng hợp vách tế bào vi khuẩn. Phổ tác dụng của Cefamandol bao gồm:

  • Vi khuẩn gram dương: Staphylococcus aureus, (trừ tụ cầu vàng kháng methicillin), Streptococcus pneumoniae, Staphylococcus epidermidis,…
  • Vi khuẩn gram âm: Escherichia coli, Klebsiella spp., Enterobacter spp, Haemophilus influenzae, Providencia rettgeri, Morganella morganii, Proteus mirabilis, Proteus vulgaris,…
  • Vi khuẩn kỵ khí: Cầu khuẩn gram dương hay gram âm, trực khuẩn gram dương hay gram âm (kể cả Clostridium spp, Bacteroides và Fusobacterium spp ).

1.2. Dược động học của Cefamandol

Hấp thu:

  • Cefamandol nafat hấp thu không đáng kể qua đường tiêu hóa, do đó thuốc phải được dùng dưới dạng tiêm. Trong huyết tương, Cefamandol nafat thủy phân nhanh và giải phóng Cefamandol có hoạt lực cao hơn với 85-89% hoạt lực diệt khuẩn.
  • Đối với đường tiêm bắp: Sau khi tiêm bắp Cefamandol cho người lớn (chức năng thận bình thường), nồng độ trong huyết thanh đạt đỉnh trong vòng 30-120 phút.
  • Đối với đường tiêm tĩnh mạch chậm: Khi tiêm tĩnh mạch chậm Cefamandol với các liều 1g, 2g, 3g cho người lớn (chức năng thận bình thường), sau 10 phút, nồng độ trung bình Cefamandol trong huyết thanh lần lượt là 139 microgam/ml, 214 microgam/ml, 534 microgam/ml

Phân bố:

  • Tỷ lệ Cefamandol liên kết với protein huyết tương là khoảng 70%. Thời gian bán thải của thuốc trong huyết tương dao động từ 0,5-1,2 giờ tùy vào đường tiêm, kéo dài ở bệnh nhân suy thận.
  • Cefamandol phân bố rộng trong các mô cũng như dịch cơ thể, kể cả xương, dịch màng phổi, dịch khớp. Khi màng não bị viêm, thuốc khuếch tán vào dịch não tủy. Cefamandol cũng vào được sữa mẹ.

Thải trừ:

  • Cefamandol bài xuất nhanh ở dạng không đổi. Ở người lớn có chức năng thận bình thường, khoảng 80% liều Cefamandol được bài xuất trong vòng 6 giờ và đạt nồng độ cao ở trong nước tiểu. Cefamandol cũng có trong mật và đạt được nồng độ điều trị. Khi thẩm tách máu, Cefamandol bị thải loại với mức độ nhất định.

2. Chỉ định thuốc Vicimadol 2g

Vicimadol 2g được chỉ định trong các trường hợp:

  • Nhiễm trùng đường hô hấp dưới, kể cả viêm phổi gây ra bởi H. influenzae, Klebsiella, S. aureus, S. pneumoniae, Proteus mirabilis,…
  • Nhiễm khuẩn đường tiết niệu
  • Viêm phúc mạc
  • Nhiễm khuẩn huyết
  • Nhiễm khuẩn da và mô mềm
  • Nhiễm khuẩn xương khớp
  • Nhiễm khuẩn phụ khoa
  • Dự phòng nhiễm khuẩn trước phẫu thuật, sau phẫu thuật.

3. Liều lượng và cách dùng Vicimadol 2g

3.1. Cách dùng thuốc Vicimadol 2g

Thuốc Vicimadol 2g có thể được dùng với các đường sau đây:

  • Tiêm bắp sâu: 1 lọ Vicimadol 2g được hòa tan hoàn toàn trong 6ml nước cất pha tiêm, hoặc dung dịch NaCl 0.9%, hoặc lidocain 1%.
  • Tiêm tĩnh mạch chậm 3-5 phút: 1 lọ Vicimadol 2g hòa với 20ml nước cất pha tiêm, hoặc dung dịch NaCl 0.9%, hoặc dung dịch Dextrose 5%.
  • Truyền tĩnh mạch liên tục hoặc ngắt quãng: Dung dịch pha tiêm tĩnh mạch Vicimadol hòa vào 100ml dịch truyền tĩnh mạch như dung dịch Dextrose 5%, Dextrose 10% hay dung dịch NaCl 0.9%

3.2. Liều dùng thuốc Vicimadol 2g

Liều tiêm bắp và tiêm tĩnh mạch Vicimadol (Cefamandol 2g) tương tự nhau.

Đối với người lớn: sử dụng liều 0.5-2g mỗi 4-8 giờ tùy thuộc mức độ bệnh và hệ số thanh thải creatinin, có thể sử dụng đường tiêm bắp sâu, tiêm tĩnh mạch chậm 3-5 phút, hoặc truyền tĩnh mạch (ngắt quãng hay liên tục). Trường hợp bệnh nặng dùng Cefamandol tối đa 12g/ngày).

Đối với trẻ em trên 1 tháng tuổi: dùng liều 50-100 mg/kg/ngày, chia nhiều lần với thời gian cách đều nhau, trường hợp bệnh nặng có thể dùng liều tối đa lên đến 150mg/kg/ngày.

Sử dụng Cefamandol trong dự phòng nhiễm khuẩn phẫu thuật: tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp 1-2g Cefamandol trước mổ 0,5-1 giờ, sau đó tiêm 1-2g mỗi 6 giờ trong 24-48 giờ. Đối với người ghép tạng, tiếp tục sử dụng Cefamandol đến 72 giờ.

Cần chỉnh liều Cefamandol ở bệnh nhân suy thận. Sau liều Cefamandol đầu tiên 1-2g, các liều sau được duy trì phụ thuộc hệ số thanh thải creatinin:

  • Hệ số thanh thải creatinin 80-50 ml/phút: 750-2000mg mỗi 6 giờ.
  • Hệ số thanh thải creatinin
  • Hệ số thanh thải creatinin
  • Hệ số thanh thải creatinin
  • Hệ số thanh thải creatinin

4. Chống chỉ định của thuốc Vicimadol 2g

Chống chỉ định dùng thuốc Vicimadol 2g ở những bệnh nhân quá mẫn với các kháng sinh nhóm cephalosporin, bởi vì có một tỷ lệ dị ứng chéo giữa các kháng sinh beta-lactam gồm:penicilin, cephalosporin, cephamycin, carbapenem.

5. Tác dụng phụ của thuốc Vicimadol 2g

Tác dụng phụ thường gặp:

  • Viêm tĩnh mạch huyết khối (khi tiêm tĩnh mạch ngoại biên)
  • Các phản ứng đau và viêm (tiêm bắp)
  • Các phản ứng quá mẫn.

Tác dụng phụ ít gặp:

  • Độc hại thần kinh
  • Dị ứng cephalosporin
  • Thiếu máu tan huyết miễn dịch
  • Giảm bạch cầu trung tính, mất bạch cầu hạt
  • Tan máu, chảy máu do rối loạn đông máu và rối loạn chức năng tiểu cầu
  • Tăng transaminase và phosphatase kiềm trong máu
  • Viêm thận kẽ cấp tính

Tác dụng phụ hiếm gặp:

  • Buồn nôn, nôn
  • Tiêu chảy, viêm đại tràng giả mạc (khi dùng dài ngày)
  • Suy giảm chức năng thận

6. Tương tác thuốc Vicimadol 2g

  • Rượu: Khi uống rượu (hay tiêm tĩnh mạch dung dịch chứa alcol) sẽ xảy ra tương tác với Vicimadol dẫn đến tích tụ acetaldehyd trong máu, gây ra các phản ứng giống disulfiram như co cứng bụng, buồn nôn, đau đầu, thở nông, đánh trống ngực, hạ huyết áp, nhịp tim nhanh, đỏ bừng, vã mồ hôi,… Các tác dụng phụ này thường xảy ra sau khi uống rượu khoảng 15-30 phút và thường tự dịu đi sau vài giờ. Do đó, bệnh nhân đang được điều trị với Vicimadol không nên uống rượu.
  • Probenecid: Sử dụng đồng thời Cefamandol và Probenecid làm tăng và kéo dài nồng độ Cefamandol trong máu, kéo dài thời gian bán thải tăng độc tính của thuốc.
  • Các thuốc tan huyết khối: Sử dụng đồng thời Cefamandol với thuốc tan huyết khối làm tăng nguy cơ chảy máu, do đó không nên dùng kết hợp hai loại thuốc này. Các cephalosporin có thể ức chế tổng hợp Vitamin K, vì vậy ở bệnh nhân ốm nặng hoặc dinh dưỡng kém, nên dùng Vitamin K dự phòng ở bệnh nhân sử dụng Cefamandol kéo dài

7. Thận trọng khi sử dụng Vicimadol 2g

  • Trước khi bắt đầu điều trị với Cefamandol, cần điều tra kỹ tiền sử dị ứng của bệnh nhân với các kháng sinh: cephalosporin, penicilin hay các loại thuốc khác. Tránh dùng cephalosporin ở người đã từng xảy ra phản vệ (phản ứng mẫn cảm tức thì) với penicilin. Hết sức thận trọng khi dùng Cefamandol cho người có tiền sử phản ứng muộn với penicilin hay thuốc khác với các biểu hiện như ban, sốt, tăng bạch cầu ưa eosin. Nếu xảy ra phản ứng dị ứng trong quá trình dùng Cefamandol phải dừng thuốc ngay và có xử trí thích hợp, kịp thời.
  • Sử dụng Cefamandol kéo dài có thể dẫn đến sự phát triển quá mức của các vi khuẩn không nhạy cảm, nhất là Enterobacter, Pseudomonas, Enterococcus hay nấm Candida. Nếu xuất hiện bội nhiễm, phải có hướng điều trị thích hợp.
  • Thận trọng khi dùng cephalosporin ở người có tiền sử bệnh lý đường tiêu hóa, nhất là viêm đại tràng. Đã ghi nhận trường hợp viêm đại tràng giả mạc khi dùng cephalosporin.
  • Phụ nữ có thai và cho con bú: Chưa có nghiên cứu đầy đủ về việc dùng Cefamandol ở phụ nữ mang thai, chưa rõ thuốc có qua được nhau thai hay không cũng như ảnh hưởng của thuốc đối với thai nhi. Do đó, chỉ sử dụng Cefamandol ở phụ nữ có thai khi thực sự cần thiết. Cefamandol qua được sữa mẹ (một lượng nhỏ), do đó cần cân nhắc ngừng cho con bú khi sử dụng Cefamandol hoặc ngừng kháng sinh này khi đang cho trẻ bú sau khi cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ.
  • Chưa có báo cáo bất lợi về việc sử dụng Cefamandol ở người lái xe, vận hành máy móc.

Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Vicimadol 2g, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Lưu ý, Vicimadol 2g là thuốc kê đơn, người bệnh cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý điều trị tại nhà.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-vicimadol-2g/