Công dụng thuốc Atorlog 20

Công dụng thuốc Atorlog 20

Thuốc Atorlog 20 chứa hoạt chất Rosuvastatin được chỉ định trong điều trị tăng cholesterol LDL và cholesterol toàn phần ở người bệnh tăng cholesterol máu… Cùng tìm hiểu về công dụng, các lưu ý khi sử dụng thuốc Atorlog 20 qua bài viết dưới đây.

1. Công dụng của thuốc Atorlog 20

Thuốc Atorlog 20 có tác dụng gì? Thuốc chứa hoạt chất Rosuvastatin được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Hỗ trợ cho chế độ ăn kiêng ở người bệnh bị tăng cholesterol toàn phần, apolipoprotein B, LDL – cholesterol, triglycerid và giúp làm tăng nồng độ HDL – cholesterol ở người bệnh tăng cholesterol nguyên phát, tăng lipid máu dạng phối hợp;
  • Giảm cholesterol máu toàn phần, LDL cholesterol ở người bệnh bị tăng chloesterol máu có tính gia đình đồng hợp tử;
  • Dự phòng biến chứng tim mạch

Đối với người bệnh không có triệu chứng bệnh tim mạch trên lâm sàng rõ rệt, người bệnh có hoặc không có rối loạn lipid máu nhưng có yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành như tăng huyết áp, hút thuốc lá, HDL – C thấp, đái tháo đường, người bệnh có tiền sử gia đình mắc bệnh mạch vành giai đoạn sớm… Thuốc Atorlog 20 được chỉ định với mục đích sau:

  • Giảm nguy cơ tử vong do nhồi máu cơ tim và bệnh mạch vành;
  • Giảm nguy cơ mắc đột quỵ;
  • Giảm nguy cơ đau thắt ngực và nguy cơ của quá trình tái thông mạch;

Đối với người bệnh có triệu chứng bệnh tim mạch trên lâm sàng rõ rệt, thuốc Atorlog 20 được chỉ định với mục đích sau:

  • Giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ;
  • Giảm nguy cơ của quá trình tái thông mạch;
  • Giảm nguy cơ đau thắt ngực, nguy cơ nhập viện do suy tim sung huyết.

Đối với trẻ em, thuốc Atorlog 20 được chỉ định như một liệu pháp hỗ trợ cho chế độ ăn kiêng với công dụng giảm cholesterol toàn phần, apolipoprotein B, LDL – cholesterol ở bé trai và bé gái đã có kinh nguyệt từ 10 – 17 tuổi bị tăng cholesterol máu có tính gia đình dị hợp tử và sau khi điều trị bằng chế độ ăn kiêng vẫn còn tình trạng dưới đây:

  • Nồng độ LDL – C ≥ 190mg/dL hoặc
  • Nồng độ LDL – C ≥ 160mg/dL kết hợp với tiền sử gia đình có bệnh lý tim mạch sớm hoặc có ít nhất 2 yếu tố nguy cơ tim mạch.

2. Liều dùng của thuốc Atorlog 20

Atorlog 20 thuộc nhóm thuốc kê đơn, liều thuốc sử dụng được chỉ định bởi bác sĩ điều trị. Người bệnh tuyệt đối không tự ý dùng thuốc Atorlog 20 khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Một số khuyến cáo về liều thuốc Atorlog 20 như sau:

  • Liều khởi đầu là 10mg/lần/ngày, liều thuốc có thể được điều chỉnh 4 tuần 1 lần trong trường hợp cần thiết và người bệnh dung nạp được;
  • Liều thuốc duy trì từ 10 – 40mg/ngày, trong trường hợp cần thiết có thể tăng liều nhưng không quá 20mg/ngày;
  • Trong trường hợp dùng phối hợp Atorlog 20 với Fosamprenavir, Darunavir + Ritonavir, Saquinavir + Ritonavir, Fosamprenavir + Ritonavir không dùng liều quá 20mg/ngày;
  • Trong trường hợp dùng phối hợp với Nelfinavir không dùng liều quá 40mg/ngày.

3. Tác dụng không mong muốn của thuốc Atorlog 20

Thuốc Atorlog 20 có thể gây ra một số tác dụng phụ sau:

  • Thường gặp: Táo bón, đầy hơi, tiêu chảy, buồn nôn, đau bụng, chóng mặt, đau đầu, đau cơ, mất ngủ, nhìn mờ, suy nhược, đau khớp, các kết quả xét nghiệm chức năng gan tăng gấp 3 lần giá trị bình thường;
  • Ít gặp: Ban da, bệnh cơ, viêm xoang, viêm mũi, ho, viêm họng;
  • Hiếm gặp: Tiêu cơ vân, viêm cơ, suy thận thứ cấp do myoglobin niệu, tăng HbA1c, suy giảm nhận thức.

4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Atorlog 20

4.1. Chống chỉ định

  • Người bệnh quá mẫn với Rosuvastatin hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc Atorlog;
  • Người bệnh quá mẫn với chất ức chế HMG – CoA reductase;
  • Người mắc bệnh gan hoặc tăng transaminase huyết thanh kéo dài mà không giải thích được;
  • Người bệnh đang được điều trị bằng Telaprevir, Tipranavir + Ritonavir;
  • Phụ nữ đang mang thai;
  • Phụ nữ đang cho con bú.

4.2. Thận trọng khi sử dụng

Trước khi điều trị bằng thuốc Atorlog 20, người bệnh cần được tiến hành xét nghiệm enzyme gan, chức năng gan.

Thận trọng khi sử dụng thuốc ở người bệnh uống nhiều rượu bia, có tiền sử các bệnh lý về gan. Những trường hợp sau cần thực hiện xét nghiệm CK trước khi điều trị: Nhược giáp, suy giảm chức năng thận, tiền sử bản thân và gia đình mắc bệnh cơ di truyền, tiền sử bệnh gan, uống rượu bia, người bệnh trên 70 tuổi có yếu tố nguy cơ bị tiêu cơ vân…. Cần cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ khi điều trị ở các đối tượng này.

Trong thời gian điều trị bằng thuốc Atorlog 20, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ điều trị các triệu chứng cứng cơ, đau cơ, yếu cơ… Khi xuất hiện các biểu hiện này cần làm xét nghiệm CK để có biện pháp can thiệp phù hợp.

Liệu pháp Statin cần được tạm ngưng hoặc thôi hoàn toàn ở người bệnh có triệu chứng bệnh cơ cấp, bệnh cơ nặng hoặc có yếu tố nguy cơ dẫn đến suy thận cấp do tiêu cơ vân như hạ huyết áp, nhiễm khuẩn cấp, chấn thương nặng, phẫu thuật, bất thường về chuyển hóa, nội tiết, co giật hoặc điện giải không kiểm soát được.

Người lái xe, vận hành máy móc: Thuốc Atorlog 20 có thể gây tác dụng phụ chóng mặt, đau đầu, mất ngủ… Vì vậy người bệnh cần được thông báo các tác dụng phụ này khi lái xe, vận hành máy móc.

5. Tương tác thuốc

Sử dụng phối hợp Statin với Cyclosporin, Itraconazol, Erythromycin, Ketoconazol… làm tăng nguy cơ tiêu cơ vân, viêm cơ.

Atorlog 20 nói riêng và các thuốc Statin nói chung có thể làm tăng tác dụng chống đông của warfarin, vì vậy cần xác định thời gian prothrombin trước khi bắt đầu điều trị bằng các thuốc nhóm Statin, theo dõi thường xuyên trong thời gian đầu điều trị.

Sử dụng đồng thời Statin với các nhựa gắn acid mật có thể làm giảm rõ rệt dinh khả dụng của các thuốc Statin… Vì vậy cần dùng các thuốc này cách xa nhau.

Nguy cơ tổn thương cơ tăng lên khi sử dụng Atorlog 20 với các thuốc sau: Niacin liều cao, Gemfibrozil, thuốc hạ cholesterol máu nhóm fibrat…

Sử dụng đồng thời Statin với chất ức chế Protease của HCV và HIV làm tăng nguy cơ tổn thương cơ…

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-atorlog-20/